Quá trình từ một người không hề biết gì về lập trình, trở thành một coder “rất gì và này nọ” chắc chắn là một hành trình dài và có không ít khó khăn. Bởi khó khăn và chông gai như vậy, bất kỳ ai bước vào hành trình này cũng phải biết cách tạo động lực cho bản thân. Để những lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục được nữa, sẽ có một lực nào đó đẩy ta bước tiếp. Đôi khi chỉ cần một lực nhỏ thôi, quãng đường đi được lại rất xa (bạn có thể tìm hiểu thêm về hiệu ứng cánh bướm).

Dưới đây là một vài mẹo có thể giúp bạn vượt qua được những khoảnh khắc gần như bỏ cuộc khi học lập trình. Xem thử cái nào sẽ phù hợp với bạn nhé.

1. Luôn đặt ra một đích đến cho mình 

Hãy tưởng tượng bạn đang đi trên một con đường, cảm giác của bạn sẽ như thế nào trong trường hợp sau đây: bạn biết bạn đang đi về đâu; bạn chỉ đi mà không có một đích đến cụ thể. Câu trả lời hẳn là không khó phải không? Hành trình lập trình cũng giống như vậy, sẽ dễ dàng và vui vẻ hơn nếu bạn biết chính xác (nếu không chính xác cũng nên biết mờ mờ) mục tiêu sắp đến của mình là gì. Có thể là mục tiêu bạn trở thành trong 2 năm, 1 năm, 6 tháng tiếp theo. Hoặc cũng có thể là sản phẩm mà bạn sẽ thực hiện xong trong thời gian tới. Hãy chọn cho mình bất cứ thứ gì để có thể hình dung được đích đến cho con đường của mình.

Có thể bạn sẽ không đến được cái đích mà bạn đặt ra (đôi khi thôi), nhưng ít nhất trong suốt một quá trình, bạn luôn có một nguồn động lực ràng mình đang tiến gần hơn đến nó. Chỉ cần biết hôm nay mình đã đến gần hơn với mục tiêu của mình thì bạn đã có một động lực rất lớn để tiếp tục rồi.

Hãy viết mục tiêu của bạn ra và nhắc nhở bản thân mỗi ngày. Nếu bạn có thể thiết kế, hoặc vẽ, hãy làm cho mục tiêu của mình trở nên đẹp mắt hơn, để mỗi khi nhớ lại sẽ không thấy nhàm chán.

2. Sự đều đặn sẽ luôn hiệu quả hơn sự nhất thời 

Khi bạn mới bắt đầu học code, chắc chắn bạn sẽ rất phấn khích, Bạn có thể tưởng tượng đến thời điểm nào đó trong tương lai, mình đã tạo ra dược một Facebook của Việt Nam. Hoặc bạn sẽ trở thành một tỷ phú công nghệ hay một CTO tài năng. Tất cả những viễn cảnh đó sẽ thôi thúc bạn dành hàng giờ, cũng có thể là nhiều ngày để cắm đầu vào những bài học và project. Nhưng khi thời gian qua, những khó khăn bắt đầu xuất hiện và những viễn cảnh lúc ban đầ u không còn đẹp đẽ nữa. Ngay lúc này, bạn mất dần động lực, bạn không muốn mở code ra, không muốn học tiếp. Bạn sẽ tìm những hoạt động khác để giết thời gian như xem phim, lên Facebook, đọc báo, vân vân và mây mây.

Rồi bạn chợt nhận ra những viễn cảnh đẹp đẽ vẫn còn đó sau nhiều ngày trầy trật, bạn lại lao đầu vào những bài học và vòng xoáy cứ thế tiếp diễn. Bạn chỉ cố gắng trong thời gian đầu, rồi lại bỏ dở, rồi lại bắt đầu và tiếp tục như thế. Nếu bạn thấy mình đang trong hoàn cảnh này, bạn nên biết rằng nó không hề tốt cho sự nghiệp lập trình của bạn, bạn cần phải thay đổi ngay trước khi nó trở thành một thói quen khó sửa. Hãy nhớ về con thỏ trong cuộc đua với rùa, chạy một đoạn, rồi cưỡi ngựa xem hoa, rồi lại chạy một đoạn nữa. Đến cuối cùng, người chiến thắng là rùa, với tốc độ chậm hơn rất nhiều nhưng cực kỳ bền bỉ.

Điều quan trọng trong bất kỳ một hành trình nào là sự bước đi đều đặn, từng bước từng bước. Bạn không cần phải cắm đầu cắm cổ, bạn không cần phải thức suốt ngày sáng đêm. Điều bạn cần làm là học tập và thực hành mỗi ngày. Mỗi ngày. Từng chút một. Đây là một việc rất khó, nhưng kết quả mà bạn nhận được sau 3 tháng, 6 tháng học và thực hành liên tục sẽ vượt xa mong đợi của bạn.

3. Đừng cố gắng quá sức 

Đối với coder chưa có nhiều kinh nghiệm, gặp bug và không xử lý được vấn đề là những thứ có thể bào mòn năng lượng của bạn một cách kinh khủng. Khi năng lượng tụt dốc, bạn sẽ bắt đầu hoài nghi về năng lực của bản thân, hoài nghi về sự phù hợp của mình với ngành. Tất cả những mệt mỏi và hoài nghi đó sẽ từ từ lấy đi sự hứng thú và động lực để bạn tiếp tục. Nó rất âm thầm, nhưng khi đã bộc phát thì bạn đang gặp vấn đề rất nghiêm trọng.

Hãy thường xuyên tìm những khoảng nghỉ giữa những giai đoạn học và thực hành căng thẳng. Đừng để năng lượng của bản thân xuống đến mức cạn kiệt, vì như thế thì “pin” của bạn sẽ mau chai đấy. Bạn hãy tìm một vài hoạt động thư giãn xen vào thời gian biểu của mình. Chỉ cần 5 hoặc 10 phút thôi cũng đủ để não được nghỉ ngơi và hoạt động hiệu quả hơn sau đó. Bạn có thể nghe một vài bản nhạc, đọc một số bài blog giải trí, hoặc đi bộ vòng vòng trong phòng. Hoạt động nào cũng được, miễn là bạn cảm thấy thực sự thoải mái.

Nếu bạn cảm thấy bế tắc vào buổi tối, đừng tiếc một giấc ngủ êm ái cho bản thân sau một ngày dài làm việc căng thẳng. Hãy gác lại vẫn đề hoặc bug mà bạn đang xử lý và đi ngủ một cách thoải mái. Khoa học đã chứng minh, khi chú tâm vào một vấn đề nào đó quá nhiều, con người có khả năng thực hiện sắp xếp chi tiết và logic ngay trong giấc mơ. Bạn sẽ bất ngờ khi ngày hôm sau, có thể bạn sẽ có cách giải quyết vấn đề một cách kỳ diệu đấy.

4. Mọi so sánh đều khập khiễng 

Một tâm lý chung của những người vừa mới học code, là so sánh mình với các guru bá đạo trong ngành, Nếu không phải là những bậc thầy, thì cũng là những người đồng trang lứa. Bạn có thể cảm thấy thua thiệt khi những người khác đã có một vài thành quả, trong khi mình vẫn cứ loay hoay với HTML, CSS hay Javascript. Tâm lý này sẽ là một gánh nặng khủng khiếp đè lên tinh thần của bạn, khiến cho bạn cảm thấy cực kỳ áp lực và không thoải mái trong quá trình học tập.

Bạn nên biết rằng, mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau. Để có thể những người kia đã bắt đầu trước đó rất lâu, và chắc chắn là họ cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, cả những thứ mà bạn đang gặp phải. Chỉ là họ không khoe những khó khăn đó cho bạn mà thôi. Vậy nên, đừng cảm thấy tủi thân khi mình chưa tạo được thành quả nào đáng kể. Rồi sẽ đến lúc bạn sẽ trở nên rất gì và này nọ. Đừng để cảnh quan xung quanh làm mờ đi đích đến của mình. Cũng đừng tạo áp lực tâm lý cho bản thân bằng cách so sánh mình với người khác. Tất cả những thứ đó sẽ chỉ làm bạn mất đi động lực, kéo bạn chậm rất nhiều so với tốc độ thực mà bạn có thể đạt được.  

5. Quan trọng nhất, hãy tìm thấy niềm vui trong lập trình 

Với hành trình khô khan chỉ toàn là ký tự và số, điều quan trọng nhất là phải tìm cho mình niềm vui đối với lập trình. Niềm vui này có thể nằm ở bất cứ đâu trong quá trình học và làm việc. Niềm vui có thể đến từ việc nhìn thấy những dòng chữ khô cứng lại có thể trở thành một trang web đẹp đẽ. Hoặc nó có thể là khoảnh khắc “magical” khi bạn tạo ra một “animation” nào đó bằng CSS. Hãy tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ như thế. Đó là các “smaill win” để bạn châm thêm củi vào ngọn lửa động lực của mình.

Bạn cũng có thể tìm thấy niềm vui bằng việc tạo ra những ứng dụng đơn giản để phục vụ nhu cầu nào đó của bản thân. Một “to-do-app” với các tính năng hoặc thiết kế dành riêng cho bạn. Một ứng dụng tổng hợp tin tức. Dù ứng dụng của bạn có “xàm” đến mức nào, thì chắc chắn nó cũng sẽ mang lại cho bạn một sự vui sướng nhất định sau khi hoàn thành. Không chỉ vui vẻ, đây còn là cách để bạn áp dụng những gì mình đã học được vào thực tế. Biết đâu sau khi học xong, ứng dụng vui vui lại trở thành một sản phẩm giúp đỡ được rất nhiều người phải không.

Với những tip trên, WorkLabs CodingSchool hi vọng bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, thoải mái hơn trên hành trình coding của mình. Trong những lúc cảm thấy khó khăn, hãy thử một trong các cách trên, bạn sẽ thấy mình lại bắt đầu di chuyển đến gần đích hơn đấy. Cố lên bạn nhé! </>