Albert Einstein đã nói: “Mọi kiến ​​thức về thực tế đều bắt đầu từ kinh nghiệm và kết thúc ở đó.”

Học tập theo phương pháp project-based (project-based learning – PBL) hay còn gọi là học tập với dự án, hiểu một cách đơn giản, nghĩa là học thông qua thực hành – learning by doing. Các hoạt động học tập theo phương pháp này thường mang tính lâu dài, liên ngành và lấy người học làm trung tâm. Khác với các lớp học truyền thống, ở các lớp theo phương pháp PBL, người học chủ động tự sắp xếp, tổ chức công việc và quản lý thời gian của mình dựa trên sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành dự án. Từ đó, tiếp thu được những kiến thức mới cho bản thân.

PBL đã giúp người học tiếp cận được những vấn đề thực tế và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội ngày càng hiện đại và phát triển. Vậy PBL có ích như thế nào đối với các ngành học nói chung và ngành lập trình nói riêng? Cùng WorkLabs khám phá nhé!

1. Tăng sức tìm tòi – sáng tạo

Khi đối mặt với các vấn đề trong một dự án, chúng ta dường như đang thực sự giải quyết các vấn đề trong tình huống thực tế, bởi hầu hết các dự án theo phương pháp PBL đều là những vấn đề mà xã hội đang gặp phải hoặc có nhu cầu. Điều này kích thích chúng ta phát huy khả năng tìm tòi các giải pháp độc đáo riêng biệt. Nói một cách ngắn gọn, phương pháp học này tạo ra môi trường thúc đẩy chúng ta khám phá, sáng tạo và đổi mới nhiều hơn.

2. Củng cố kiến thức vững chắc

Theo một nghiên cứu về cách não học hỏi, thực hành những kiến thức đã học sẽ củng cố các kết nối thần kinh trong não, cũng có nghĩa là củng cố kiến thức của chúng ta vững chắc hơn, khiến chúng ta cảm thấy mình “thông minh hơn”. Thực hành với dự án chính là cơ hội để áp dụng những thứ đã học vào việc làm thực tế, thực sự trải nghiệm cách những “công nghệ” vận hành. Đối với các lĩnh vực kỹ thuật thì việc thực hành thường xuyên chính là chìa khoá để phát triển nhanh và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, qua các dự án, chúng ta có thể nhìn thấy và tự hào về thành quả lao động của bản thân, nhờ vậy mà càng hăng hái học tiếp tục học tập.

Hãy thử tưởng tượng, cảm giác của bạn sau khi tham gia một khóa học project-based và xây dựng được một trang web cho riêng mình, qua hàng ngàn lần fix bug sẽ tuyệt vời và tự hào thế nào!

3. Hiệu quả học tập vượt trội

Trong quá trình thực hành dự án, chúng ta có thể nhận biết những điểm yếu về kỹ năng và kiến thức của bản thân. Từ đó, tìm kiếm đúng nội dung mình cần, tập trung học và áp dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của dự án. Chính vì vậy, hiệu quả học tập chúng ta đạt được sẽ vượt trội hơn nhiều so với việc học dàn trải đủ các kiến thức nhưng không cần thiết cho công việc. Đây là cách thức có thể áp dụng khi chúng ta tốt nghiệp ra trường và tiếp nhận các công việc bên ngoài, đặc biệt là các nhà phát triển web/app, lập trình viên – những người không có nhiều thời gian để học đủ thứ.

Ngày nay, nền kinh tế trong nước đã có nhiều biến chuyển và hội nhập, tiếp cận đến công nghệ thông tin và số hóa. Hệ thống giáo dục nên tập trung vào việc truyền đạt nhiều kỹ năng thực tế hơn cho những người lao động tương lai. Và phương pháp project-based đang là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Dĩ nhiên là những lợi ích của PBL không chỉ dừng lại ở con số 3, nên hãy tự mình trải nghiệm các khóa học theo phương pháp này để khám phá thêm nhé!